Bé không chịu nói theo mẹ dạy, có phải là trẻ tự kỷ?

Con tôi 16 tháng tuổi, chỉ biết kêu “mẹ”, thỉnh thoảng gọi bố, gà, cá, bò, bóng, xe… nhưng chưa rõ lắm. Bé biết nói khi có nhu cầu ăn, uống, ngủ nhưng dùng không đúng từ ngữ.

Cháu hiếu động, thích chơi đùa cùng bạn bè, luôn thân thiện với mọi người (không nhút nhát), hay cười đùa, đòi bố mẹ chơi cùng… Nhưng cháu lại không chịu nói theo khi mẹ chỉ, thậm chí mẹ bảo con nói theo thì cháu chủ động chuyển chủ đề như kêu mẹ chơi cùng hay rủ mẹ đi chơi. Con tôi có phải bị tự kỷ không?

PES TEAM chia sẻ cùng mẹ:

Chào bạn

Hiện nay, Hội chứng tự kỷ ở trẻ em, khoa học chưa tìm ra được những nguyên nhân chính cũng như các phương  pháp  hữu hiệu nhất  can thiệp cho trẻ  tự kỷ. Tuy nhiên những nỗ lực của  các nhà  nghiên cứu cũng  đã dần dần từng bước hé mở bước màn tự kỷ vốn  đang rất bí ẩn ở trẻ em.  Những  nghiên cứu về Hội chứng tự kỷ,  đã cho chúng ta có được một cách  nhìn nhận, một bức  tranh sáng rõ hơn về những  dấu hiệu có thể xuất hiện ở chứng tự kỷ bao  gồm những suy giảm về khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, suy giảm về  khả năng  hòa nhập xã hội và biểu hiện các hành vi cứng nhắc, lặp lại, định hình như sau:

– Các dấu hiệu của sự suy giảm khả năng giao tiếp là: Không có phản ứng khi được gọi tên, chậm biết nói (không nói bi bô khi lên 12 tháng, không tự nói được câu tiếng đôi (không tính câu bắt chước) khi được 24 tháng), không diễn tả được mình muốn gì, cử chỉ thường không hòa hợp với tiếng nói.

– Các dấu hiệu của sự suy giảm khả năng hòa nhập xã hội là: Không cười với người khác, ít khi nhìn thẳng vào mắt người khác, thích chơi một mình, sống trong một thế giới riêng, không để ý đến bố mẹ, không thích chơi với trẻ khác, sống rất độc lập, tự lấy các đồ vật hoặc biết làm những việc sớm trước tuổi.

– Các hành vi lặp lại và bất thường bao gồm:

+ Các hành vi rập khuôn với các vận động không có mục đích như vỗ tay, quay đầu hay đung đưa cơ thể.

+ Các hành vi cưỡng bức thường theo một quy tắc nào đó, ví dụ trẻ sắp xếp đồ chơi của chúng theo một đường thẳng.

+ Các hành vi đơn điệu, thiếu sự đa dạng và chống lại sự thay đổi, ví dụ như trẻ không muốn đồ chơi của chúng bị dịch chuyển hay cưỡng lại sự can thiệp của người khác đối với việc chúng đang làm.

+ Các hành vi có tính nghi thức bao gồm các hoạt động giống hệt nhau thực hiện hàng ngày ở cùng một thời điểm như chỉ ăn cùng một thực đơn hay mặc một kiểu quần áo vẫn dùng hàng ngày.

+ Các hành vi tự gây tổn thương như tự đánh mình (một nghiên cứu tiến hành năm 2007 cho biết có tới 30% trẻ bị bệnh tự kỷ có hành vi này).

 

Ngoài các triệu chứng chính nêu trên còn có thể có những triệu chứng khác của trẻ tự kỷ như khó ngủ, thường thức dậy vào ban đêm và dậy sớm; những hành vi ăn uống khác thường cũng thấy ở 3/4 số trẻ bị tự kỷ…

Như vậy, theo như  những gì bạn mô tả về bé chậm nói và những lo lắng, băn khoăn về tự kỷ thì chưa đầy đủ các cơ  sở, căn cứ  để  kết luận bé có  phải  tự  kỷ  hay không. Để  đánh giá được bé có phải  là tự kỷ hay không,  cần có  những công đoạn kiểm tra trên bé  theo  những thang đánh giá  chuyên sâu hơn. Tuy nhiên những mô tả ban đầu đó nghiêng về những biểu hiện của bé mới có những  dấu hiệu  bé chậm nói. Do đó gia  đình nên có những quan tâm hợp lý và tương tác phù hợp, đồng  thời gia đình hãy dạy bé phát triển ngôn ngữ  tại nhà như:

– Gia đình sắp xếp thời gian hợp lý và giành nhiều  thời gian hơn để tương tác và chơi với con, bao gồm các hoạt động chơi tại nhà  và  các hoạt động chơi tại các khu  vui chơi…

– Không đáp ứng yêu cầu quá sớm với con, khi  con cần cái gì, lấy cái gì hoặc khi ăn ngủ, tắm giặt… nên tận  dụng để tương tác với con thông qua các hoạt động chỉ trỏ, phát âm, ạ, xin, cho… sử dụng những  từ  ngữ đơn giản và dễ hiểu để hướng dẫn và  dạy con, nhấn mạnh vào những từ muốn dạy con.

– Thường xuyên động viên, khen ngợi con khi con có được nhưng phát âm đúng, hoặc hiểu và lấy đúng những đồ vật, những yêu cầu  của người lớn…

– Sử dụng đa dạng các hình thức tương tác và phương pháp  trò chơi. Tương tác với con thông qua các thẻ  tranh theo những chủ  đề khác nhau  từ đơn giản đến phức tạp, đọc sách, kể chuyện đọc thơ cho con nghe. Sáng  tạo ra từ 5 – 10 cách chơi khác  nhau  của  một đồ vật, đồ chơi để dạy  và tương tác với con.

–  Hạn chế  tuyệt đối việc cho con xem truyền hình, chơi các trò chơi điện  tử hoặc thường xuyên để con ở nhà  một mình hoặc chơi một  mình con bố mẹ làm việc khác.

Gia đình cứ kiên trì một  thời gian và thường xuyên theo dõi những biểu hiện và xu hướng phát  triển của  con. Nếu  từ 2 – 3 tháng, con chưa  có biểu hiện thay  đổi  hoặc kèm theo nhiều hành vi “khó hiểu”, gia  đình có  thể gặp những chuyên gia trong lĩnh vực để được kiểm tra đánh giá và tư vấn  về  các phương pháp và chương trình hỗ trợ con tốt nhất.

PES TEAM