Có thể nói, ngôn ngữ và sự hình thành phát triển ngôn ngữ của bé xuất hiện từ rất sớm, cho đến khi xuất hiện tiếng khóc chào đời, là biểu hiện “đỉnh cao” của một cuộc sống mới với những khả năng ngôn ngữ xuất hiện, cho đến 3 tháng bé biết hóng chuyện rõ ràng, 6 tháng biết thể hiện các như cầu về giao tiếp về ăn uống…


Sau đó, quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ của bé phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố khác, trong đó đặc biệt là những khả năng tương tác,nhu cầu tương tác và đáp ứng các nhu cầu tương tác, phụ thuộc chế độ dinh dưỡng, hoàn cảnh sống, cách giáo dục của bố mẹ…Tuy nhiên hầu hết các bé trước 24 tháng đều nên nói được 25 từ cơ bản. Nếu không, có thể coi là chậm nói.

Ngày nay, nhiều gia đình vẫn nhầm lẫn giữa bé chậm nói đơn thuần và bé chậm nói có căn nguyên từ các hội chứng như Tự kỷ, tăng động giảm chú ý… dẫn đến đánh đồng vào cào bằng, làm mất đi cơ hội được can thiệp sớm và hòa nhập của từng bé, cho đến khi bố mẹ lo lắng quá thì cơ hội hòa nhập của con càng ít.

Nếu bé vẫn hiểu được lời nói: chỉ đúng những gì bố mẹ hỏi như “tai đâu, mắt đâu…” và thực hiện đúng những mệnh lệnh giản đơn như lấy mũ, dép cho mẹ, đưa đồ cho mẹ, nói hoan hô con biết vỗ tay, nói “bye bye” con biết vẫy tay… thì đó chỉ là chậm nói đơn thuần. Trong trường hợp này, nếu gia đình có những thay đổi nhất định về môi trường, về khả năng tương tác giao tiếp, chăm sóc, hoặc có những chương trình hỗ trợ tương tác, sự phát triển của con là khá nhanh và có thể hòa nhập về ngôn ngữ, giao tiếp với các bạn trước 3 tuổi
Ngược lại, những bé bị chậm cả diễn đạt lẫn cảm thụ ngôn ngữ thường có căn nguyên nghe kém hoặc chậm khôn. Việc giúp đỡ sẽ khó khăn hơn nhiều. Đặc biệt xuất hiện nhiều hành vi bất thường như ăn vạ thái quá, hành vi định hình, hành vi đập đầu….


Nếu con đã gần đạt mốc 24 tháng mà vẫn có nhiều biểu hiện dưới đây, mẹ nên chú ý đưa trẻ đi khám vì có thể xuất hiện như nguy cơ về trẻ chậm nói:

1. Bé không quay lại khi nghe gọi tên: Não bộ của bé phản ứng không tốt, và đó cũng là biểu hiện đầu tiên của hệ thần kinh kém phát triển.

2. Bé không sợ người lạ: Không phải do bé dạn người hay quá hòa đồng, mà đó có thể là bé không phân biệt được người lạ hay quen.

3. Bé lắc đầu mỗi khi phấn khích. Hoặc có các biểu hiện khác lạ trên cơ thể như sử dụng tay, chân đầu… thể hiện các cử chỉ hành vi khác thường

4. Bé không bắt chước: Đó là biểu hiện cho thấy bé không có khả năng tập trung theo dõi hành động của người lớn và làm theo. Nếu không dạy thì bé không biết để ý học và sẽ không bao giờ biết.

5. Bé không biết chỉ bằng một ngón trỏ: Khi trẻ chỉ bằng một ngón là bé đã có khả năng tập trung để nhìn vào một hướng.

6. Bé mê coi quảng cáo: Cứ có quảng cáo là bé ngồi xem say sưa, thậm chí vẫy tay trước mặt bé, bé cũng không chớp mắt. Cha mẹ mua đĩa quảng cáo về cho bé coi, để làm việc.

Sai lầm lớn, với những trẻ bình thường xem quảng cáo ít thì cũng có lợi vì trẻ có thể học được vài thứ hay. Nhưng với trẻ chậm phát triển thì coi quảng cáo càng làm cho bé chìm vào thế giới ảo của quảng cáo.

Trong quảng cáo, hình ảnh và âm thanh biến đổi nhanh và sôi động hơn bình thường. Trẻ càng thích coi hình ảnh của quảng cáo nhiều sẽ càng chán hình ảnh của thế giới thực vì nó không sáng, không chuyển hình nhanh bằng.

7. Hay ăn vạ, kêu khóc khi đòi một cái gì đó: Các bé không có hoặc không biết sử dụng ngôn ngữ hay ăn vạ hơn bé bình thường vì chúng không biết làm sao để thể hiện ý muốn của mình.

8. Bé ra ngoài là cắm đầu chạy: Chạy nhiều hơn đi là biểu hiện của chứng tăng động, thiếu khả năng tập trung.

9. Bé khó ăn, khó ngủ, không chịu nhai.

10. Bé không tập trung làm cái gì đó lâu. Con có thể sà vào những loại đồ chơi khác nhau,đặc biệt là những đồ chơi bắt mắt, nhưng rất nhanh chán, và có thể đập phá các đồ chơi khi không thích.