Quá trình dạy trẻ chậm nói có nhiều yếu tốt tác động, nhiều hình thức và phương pháp hỗ trợ, đặc biệt là những yếu tố kiên trì thực hiện và phương pháp phù hợp với con. Ngoài ra cũng có nhiều chương trình tác động. Chương trình ngôn ngữ ứng xử cũng là một nội dung quan trọng hình thành cho con các kỹ năng ngôn ngữ hiệu quả.
Ngôn ngữ ứng xử là gì?
Ngôn ngữ ứng xử (VB) bắt đầu xuất hiện trong cuốn sách cùng tên của B.F. Skinner xuất bản năm 1957. Trong cuốn sách, Skinner giới thiệu hai khái niệm chính. Thứ nhất, ông đưa ra luận điểm ngôn ngữ là một hành vi bị chi phối bởi một số điều kiện trong môi trường. Chúng ta có thể làm tăng khả năng hành vi này diễn ra bằng cách tạo ra những điều kiện thúc đẩy hành vi xuất hiện và có khen thưởng sau khi hành vi xảy ra. Ví dụ, nếu đặt đồ chơi của bé ở ngăn tủ cao bé không với được. Bé phải yêu cầu thì mới lấy được vật đó. Điều kiện thúc đẩy hành vi là ham muốn được chơi đồ chơi đó, hành vi là yêu cầu đồ chơi và khen thưởng là được nhận đồ chơi. Khái niệm thứ hai Skinner đưa ra là ngôn ngữ có thể coi là một tập hợp các khía cạnh chức năng độc lập bao gồm yêu cầu, nhận biết tiếp thu (hồi đáp không lời với yêu cầu/mệnh lệnh), gọi tên/thuật lại, lặp âm (nhắc lại), và hỏi đáp. Vì thế một từ có thể có nhiều nghĩa khác nhau tùy theo ngữ cảnh sử dụng. VD, nếu một vận động viên chạy về đến vạch đích người đầy mồ hồi và nhìn huấn luyện viên rồi nói “nước!”, thì phần nhiều đây là yêu cầu xin nước. Trong ngữ cảnh khác, bé có thể ra ngoài sau cơn mưa, và nhìn thấy vũng nước rồi nói “ nước”. Trong ngữ cảnh này, bé đã gọi tên cái bé thấy. Hoặc có lẽ bé đã nhắc lại âm khi nghe bố nói từ này. Đây là hồi đáp lặp âm. Và bé có thể trả lời nước khi được hỏi “Con bơi ở đâu?”. VD trên cho ta thấy cùng một từ khi nói ra có thể có nhiều nghĩa, tùy thuộc vào cách sử dụng từ.
Chúng ta cần biết rằng bé sử dụng đúng từ “nước” ở một khía cạnh chức năng này, không có nghĩa là bé có thể sử dụng từ đó ở khía cạnh chức năng khác. Vì thế một từ chỉ được coi là “học xong” khi chúng ta đã dạy tất cả các khía cạnh chức năng. Để làm được điều này, cần tập trung vào cách chuyển tiếp hồi đáp của bé từ một khía cạnh này sang một khía cạnh khác. Thông thường, bé sẽ bắt đầu với chức năng yêu cầu vì chúng củng cố được hành vi đó nhiều nhất. Vì bé yêu cầu thì bé được nhận vật bé muốn. Từ đây có thể chuyển sang gọi tên theo cách sau:
BÉ: <nhìn thấy đồ chơi và muốn chơi> “Búp bê” (yêu cầu)
Người lớn: <cho bé búp bê> “Cái gì đây?”
BÉ: “Búp bê.” (gọi tên/thuật lại)
Phương pháp này khác với các phương pháp truyền thống dạy hồi đáp tiếp thu và diễn đạt bằng cách học thuộc lòng. Hãy thử tưởng tượng người ta đưa cho bạn một quyển từ điển và bảo bạn nhớ càng nhiều từ càng tốt, và hy vọng bạn sẽ sử dụng kiến thức đó để hội thoại với mọi người mà không thêm lời hướng dẫn nào! Phần nhiều là bạn sẽ phải rất vất vả cố gắng giao tiếp vì bạn không có đủ nền tảng để tạo ngôn ngữ.
Nguyên tắc dạy cơ bản của một chương trình Ngôn ngữ ứng xử
Học vì hứng thú (động lực thúc đẩy) chứ không phải do áp đặt.
Chúng ta sẽ tạo lập nên động lực này bằng cách dạy những điều có ý nghĩa và thú vị với người học. Khi chúng ta đã có động lực thúc đẩy, chúng ta có thể mở rộng diện quan tâm bằng cách cho thêm những sự vật khác vào giờ học và gắn chúng với những khen thưởng.
Bắt đầu bằng việc dạy bé cách yêu cầu.
Tại sao? Bởi vì hồi đáp yêu cầu cho bé thấy sức mạnh của việc sử dụng ngôn ngữ. Khi bé yêu cầu vật bé muốn, hành vi này của bé đã được củng cố thông qua việc nhận được cái bé muốn.
Ban đầu, hãy tập những kỹ năng cho bé cảm giác mình học được. Cảm giác mình học được sẽ làm nảy sinh hứng thú! Chọn kỹ năng đơn giản mà chúng ta có thể dễ dàng nhắc bé câu trả lời đúng. Đối với bé mới học, ví dụ là bắt chước hành động, ghép vật, hoặc đáp lại yêu cầu chỉ vật. Bé học lên cao có thể làm đố xếp hình hoặc nhắc lại từ. Cứ chọn nội dung nào chắc chắn bé sẽ làm được.
Sử dụng tổng hợp các khía cạnh chức năng của ngôn ngữ trong khi dạy.
Nhấn mạnh việc tạo cơ hội cho bé nêu yêu cầu, vì dạng hồi đáp này (được vật mình yêu cầu) có sức củng cố hành vi rất cao. Cũng cần dạy bé đan xen các nội dung gọi tên sự vật, trả lời câu hỏi, và làm theo chỉ dẫn.
BÉ: “Cho con uống nước”. (yêu cầu)
BỐ MẸ: “Được. Con chỉ mẹ xem nó ở đâu?”
BÉ: <Chỉ vào tủ lạnh> (tiếp thu)
BỐ MẸ: <lấy nước> “Bây giờ chúng ta cần cái gì nhỉ?”
BÉ: “Cái cốc.” (yêu cầu)
BỐ MẸ: <lấy cốc> “Cái gì đây?” <chỉ vào cốc>
BÉ: “Cái cốc.” (gọi tên/thuật lại)
BỐ MẸ: “Đúng rồi.” <Cầm bình đựng cốc lên> “Mẹ phải làm gì nữa nhỉ?”
BÉ: “Đổ ra!” (yêu cầu)
BỐ MẸ: “Được rồi.” <đổ nước ra và cất bình đi> “Con còn uống gì nữa nhỉ?.”
BÉ: “Sữa.” (Hỏi đáp vì sữa không có ở đó)
Dạy theo chức năng, đặc tính và chủng loại.
Khi học từ con mèo, bé phải chỉ được con mèo, và biết mèo có lông, râu, đuôi, là vật nuôi và là động vật.
Kỹ thuật dạy dựa trên nguyên tắc của Phân tích hành vi ứng dụng (ABA).
Nói nôm na là nguyên tắc “động cơ dẫn đến hành vi”. Hành vi kéo theo hậu quả; đó chính là một dạng khen thưởng. Cần lưu ý rằng động cơ có thể thay đổi theo thời gian. Sau khi chơi với cùng một đồ chơi trong mười ngày liên tục, bé có thể không muốn chơi đồ đó nữa vì chán và bão hòa. Giá trị của khen thưởng ta cho bé cũng có thể thay đổi.
GV đặt đố xếp hình lên bàn và bảo bé khi nào bé làm xong thì được xem băng mới. Động lực thúc đẩy bé làm bài tập đó là ý muốn được xem băng khi làm xong. Nhưng nếu giả sử ngày hôm trước bé đã xem băng và bé rất sợ một đoạn trong đó và không muốn xem lại đoạn đó. Trong trường hợp này, việc làm xong bài tập không có ý nghĩa nữa , bé có thể lảng tránh bài tập bằng cách chạy ra khỏi lớp hoặc có hành vi xấu. Tình huống có thể xảy ra vì chúng ta không phải lúc nào cũng biết cái gì là động cơ thúc đẩy bé vào thời điểm đó.
Vì lý do này cần liên tục đánh giá lại điều kiện tạo ra động lực và khen thưởng của bé.
Những yếu tố làm nên một chương trình ngôn ngữ ứng xử hiệu quả
Bé học thông qua chơi.
Bé sẽ học được nhiều hơn khi bé hứng thú, vui vẻ. Thay bằng dùng thẻ để dạy màu, hãy chơi ghép tàu với bé. Xây tàu bằng cách hỏi bé sẽ xếp tiếp toa màu gì. Dừng tàu ở ga và hỏi bé màu của tòa nhà (gọi tên/thuật lại), sau đó bảo bé lái tầu đến ngôi trường màu đỏ (tiếp thu). Sau đó hỏi bé thích màu gì (hỏi đáp). Khi đã đến trình độ này rồi, bạn có thể nói cho bé lá cây thì màu xanh lá, tháp đồng hồ màu nâu, nhà thờ màu trắng. Và đừng giới hạn chỉ trao đổi về màu. Nhân thể nói luôn tàu đi nhanh hay chậm, trên hay dưới cầu!
Dùng kỹ thuật “dạy không có lỗi”.
Mấy ai trong chúng ta thích bị kiểm tra? Không nhiều. Vì thế hãy dạy thay vì kiểm tra! Khi bạn hỏi, nhắc câu trả lời đúng trước khi bé nói sai. Rồi dần dần xóa nhắc bằng cách đan xen cùng các phần khác.
VD:
BM: <chỉ vào tranh con mèo> “Con gì đây? Con mèo.”
BÉ: “Con mèo.”
BM: “Giỏi! Sờ mũi con.”
BÉ: <sờ mũi>
BM: “Giỏi đấy!” <chỉ vào tranh con mèo> “Cái gì đây?”
BÉ: “Con mèo.”
Dạy cho bé trả lời trôi chảy đúng tốc độ đời thường.
Trả lời phải vừa đúng vừa kịp thời. Thường thì bạn nên đợi không quá 3 giây trước khi nhắc lại câu hỏi và lập tức nhắc câu trả lời. (Xem VD trước). Yếu tố trôi chảy quan trọng vì hai lý do. Thứ nhất, theo nhiều nghiên cứu thì điều này giữ chân bé được lâu hơn. Nhưng quan trọng hơn là nhiệm vụ của chúng ta là phải dạy bé biết duy trì hội thoại với người khác. Trong đời thường (đối lập với tình huống dàn dựng), phần lớn trẻ không thể kiên nhẫn chờ trẻ khác hồi đáp nếu phải đợi quá lâu.
Dạy kỹ năng khái quát hóa ngay lập tức.
Một trong những lý lẽ chống lại việc sử dụng một số dạng chương trình ABA cho trẻ em chậm phát triển là, chúng thường chỉ ứng dụng ở một số nơi, sử dụng chỉ một số kích thích giác quan nào đó (ví dụ ảnh hay thẻ). Nếu bé có thể chỉ ra ảnh con mèo khi ngồi ở bàn nhưng lại không nhận ra vật nuôi ở nhà cũng là con mèo thì học như vậy cũng chẳng ích gì mấy. Phải bắt đầu học khái quát hóa ngay lập tức, trước khi bé bị gắn chặt với một kích thích giác quan cụ thể nào đó.
Cho bé xem các ảnh mèo khác nhau – đọc sách về mèo, xem băng, vẽ tranh con mèo, chơi trò mèo, và nói về họ hàng các loài mèo. Dạy ở nhiều nơi khác nhau – không nhất thiết phải có một phòng học can thiệp.
Trộn lẫn và đa dạng các nội dung học và nói tốc độ.
Hãy để cho bé phải liên tục đoán xem tiếp theo sẽ là gì! Nó khiến bé phải tập trung và khỏi nhàm chán. Nó cũng tránh được khuynh hướng bé “bất hợp tác” khi đến bài khó. Trong VD sau đây các khía cạnh chức năng ngôn ngữ và mục tiêu học thuật được trỗn lận với nhau. (“tốc độ nhanh” không có nghĩa là nói nhanh, mà nghĩa là chuyển nhanh sang câu hỏi tiếp không nghỉ)
BM: “Sờ mũi.”
BÉ: <Sờ mũi> (nhận biết phân biệt các bộ phận cơ thể)
BM: “Đúng rồi! Con đang mặc áo màu gì?”
BÉ: “Xanh lá.” (gọi tên màu)
BM: “Anh con tên gì?”
BÉ: “Sammy.” (hỏi đáp)
BM: “Đúng rồi! Chỉ mẹ tranh có vật biết nảy lên nảy xuống.”
BÉ: <chỉ tranh bóng> (nhận biết chức năng, đặc tính và chủng loại)
BM: “Con nói ! Con đếm đến 10 đi”
BÉ: <đếm đến 10> (hỏi đáp về số)
BM: “Tuyệt quá! Con muốn gì?” <giơ bánh và khoai tây chiên>
BÉ: “Bánh!” (yêu cầu)
Xen kẽ bài khó với bài dễ.
Không ai thích lúc nào cũng căng thẳng mà chúng ta đều thích một chút thử thách. Tỷ lệ tốt là 80% củng cố các kỹ năng đã thạo và 20% nội dung mới.
Dùng kỹ thuật chuyển tiếp để học dễ dàng hơn.
Bạn có thể tận dụng hiểu biết của bé về một từ ở một khía cạnh chức năng để chuyển tiếp sang khía cạnh khác. Đây là một ví dụ của việc chuyển không lỗi từ hồi đáp tiếp thu sang gọi tên/thuật lại.
BM: “Chỉ mẹ con chó.”
BÉ: <chỉ tranh con chó> (nhận biết phân biệt)
BM: “Đúng rồi! Con gì đây?
BÉ: “Con chó.” (gọi tên)
Những lưu ý
Khi bạn đã biết kỹ thuật dạy không có lỗi rồi, nên tận dụng mọi lúc để dạy bé. Hãy tận dụng tất cả các cơ hội. Nếu bé đang học màu, hãy hỏi bé màu của quả táo ở cửa hàng hoa quả, hoặc nhờ bé đưa cho bạn quyển sách bìa vàng. Hãy sẵn sàng nhắc bé câu trả lời đúng trong vòng 3 giây. Nhiệm vụ của bạn là phải tìm cách làm những gì bạn dạy có ý nghĩa với bé. VD, nếu bé không thích số, bạn có thể giấu thức ăn bé thích trong một vài cái cốc có đánh số, và cho bé biết bé cần lấy cốc số mấy. Nếu cách này không được thì thử cách khác.
Nếu bé học khó khăn, hãy xem lại phương pháp dạy của bạn. Xem có cách dạy nào tốt hơn không? Bạn có làm cho bé cảm thấy bé học được với kỹ thuật dạy không lỗi và trộn lẫn nội dung dễ với khó không? Bạn có thưởng thích đáng cho nỗ lực của bé không? Ngoài ra có gì làm bé chuyển hướng chú ý không? Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để tìm hiểu. Nếu mọi việc không như bạn nghĩ thì phải có nguyên nhân của nó, cái khó là làm sao tìm ra nó.
Học có thể và nên là một niềm vui! Tôi xin nhắc lại: Học có thể và nên là niềm vui!
Chúc các bạn may mắn!
Vài lời về tác giả
Cindy Peters làm trong ngành máy tính được 15 năm thì con trai 27 tháng của cô bị chuẩn đoán là mắc chứng tự kỷ vào tháng 9 năm 1995. Từ đó, cô giành công sức vào việc tìm phương pháp để giúp các trẻ chậm phát triển phát huy được hết tiềm năng của mình. Tháng 12 năm 2000, sau khi con trai cô bắt đầu thành công với chương trình Ngôn ngữ ứng xử, cô thành lập trường The Mariposa School ở Cary, NC. Trường can thiệp một cô một trò cho 50 cháu tập trung vào sử dụng kỹ thuật Ngôn ngữ ứng xử nói đến ở bài này.
Bản quyền 2006 Cynthia A. Peters. Tài liệu này có thể phân phát vì mục đích giáo dục.
VIDEO - NHỮNG NGUYỄN TẮC DẠY BÉ CHẬM NÓI