Khi những kênh truyền thông đã quá nhiều thông tin, và phụ huynh chưa biết lấy đâu làm điểm chuẩn. Hoặc khi những môi trường công việc ngày càng đòi hỏi sự tập trung cao, nhiều bố mẹ còn mang cả việc từ công ty về nhà, mang cả những tâm trạng căng thẳng từ công ty, thì liệu sự tương tác giữa mẹ con có đủ để trẻ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp?

Những thiếu thốn về sự tương tác giữa bố mẹ với con có dẫn đến nguy cơ chậm nói của bé không?




Có nhiểu nguyên nhân gây ra bé chậm nói, tuy nhiên mắt xích tương tác không phù hợp trong mối quan hệ giữa bố mẹ với con là một trong những yếu tố quan trọng.
Nhiều phụ huynh, khi được hỏi, đã chia sẻ với chúng tôi rằng: “Con tôi đã gần 2 tuổi mà nói được chỉ vài từ. Vợ chồng tôi đi làm suốt, phải nhờ ông bà nội chăm sóc cháu” Hoặc các hình thức như: “Cái gì cháu nội tôi cũng hiểu nhưng không nói được, chỉ biết chào và nói “bai-bai”. Những khi cháu không đồng ý điều gì thì cắn đồ, cắn tay và đập đầu xuống đất…”.
Đặc biệt, có nhiều gia đình, bố mẹ đi làm từ khi con mới được 6 tháng tuổi và phó mặc con cả ngày cho các giúp việc ở nhà, nhiều giúp việc không biết những phương pháp, cách thức tương tác với trẻ con, ngược lại, để “nhàn nhã” hơn, nhiều người thấy bé thích nghe những âm thanh quảng cáo, tivi, trò chơi điện tử… liền bật cho con nghe cả ngày từ sáng đến tối, trong khi ăn,khi chơi cũng như lúc vệ sinh,….
Theo những nghiên cứu mới trong quan hệ tương tác của trẻ cho thấy, nếu cứ tiếp tục các tình trạng thiếu tương tác như trên, trong thời gian từ 2 – 3 tháng, trẻ đã có những biến chuyển rõ nét như không thích tương tác với người khác, không thích giao tiếp với mẹ, không hóng chuyện hoặc nhìn vào mắt người lớn khi giao tiếp,… điều này ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của mỗi đứa trẻ.

 

Quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ của mỗi đứa trẻ, tương tác đóng vai trò tối quan trọng, từ khi cất tiếng khóc chào đời, bé đã thể hiện nhu cầu tương tác, sự gắn kết trong các mối quan hệ, đặc biệt mối quan hệ mẹ – con. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy não của trẻ dưới 6 tuổi chưa hoàn thiện nhưng lại có khả năng nghe rồi dần dần học cách giải mã ngôn ngữ. Từ 6 tuổi trở đi, trẻ có bộ não tương tự người lớn và khả năng giải mã tự nhiên này sẽ biến mất. Vì vậy, người mẹ nên thiết lập “quan hệ sớm mẹ-con”, nói chuyện với trẻ ngay từ những ngày đầu tiên bé được sinh ra chứ không phải đợi cho đến khi trẻ biết nói. Khi giúp bé chậm nói, người lớn đừng quên vừa nói vừa biểu cảm, ra điệu bộ (trẻ khiếm thính càng cần nhiều điệu bộ) bởi các thông điệp trong giai đoạn đầu của trẻ chủ yếu là phi ngôn ngữ. Còn khi người lớn đơn thuần nói như một cái máy, đứa trẻ có nguy cơ bắt chước như một con vẹt.


Do đó, khi phát hiện bé chậm nói, gia đình nên thay đổi cách tương tác phù hợp hơn, tăng cường sự tương tác , đặc biệt là tương tác mẹ – con mọi lúc mọi nơi có thể. Ngoài ra, nếu bé chậm nói kèm theo những biểu hiện hành vi khác thường như đập đầu, ăn vạ quá mức, gắn bó quá mức với những đồ vật hoặc người nào đó… Thì gia đình nên cho con đi kiểm tra và khám tâm lý, để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là các chương  trình can thiệp sớm cho bé.