16 tháng chưa nói có phải bé chậm nói?

Con em gần 16 tháng nhưng chưa biết nói gì ngoài thi thoảng gọi bà khi cần, hoặc gọi tên bố “Tài, Tài”. Bé cần gì thì chạy lại dắt tay bố mẹ ông bà lấy cho.  Khi người lớn gọi, bé quay lại. Khi mẹ dạy tập nói thì bé không nói theo, chỉ mải chơi nhưng khi nghe thấy bài hát mình thích hoặc chương trình quảng cáo trên TV thì bé phản ứng rất nhanh, chăm chú xem lắm. Bé thích nghe nhạc thiếu nhi, xem quảng cáo là lắc lư nhảy theo. Bé nhà em như vậy có bị coi là chậm nói không, mong chuyên gia tư vấn giúp.

Mong nhận được những chia sẻ từ anh chị?

Chia sẻ

P.E.S chào chị, rất vui nhận được những chia sẻ từ chị

Theo như chị nói, bé nhà chị được gần 16 tháng tuổi, bé chưa biết nói, chỉ gọi được bà khi cần hoặc gọi tên bố. Bé biết thể hiện nhu cầu bằng việc dắt tay người thân để lấy giúp. Gọi bé có phản ứng quay lại, mẹ dậy nói thì con chưa chịu nói, thích nhạc quảng cáo, nghe nhạc và bắt chước theo quảng cáo. Chị đang băn khoăn bé nhà mình có phải là bé chậm nói hay không?

Những  thông tin chia sẻ của chị bước đầu cho thấy  những cơ sở phát triển ngôn ngữ ban đầu  của  con nhưng  chưa nhiều và chưa thể hiện đúng cách, đúng yêu cầu như: ” thể hiện nhu cầu bằng việc dắt tay người thân để lấy giúp” thay vì chỉ vào những đồ vật thể hiện nhu  cầu. Tuy  nhiên, sự phát  triển về giao tiếp và  ngôn ngữ đều phải xuất phát từ những nhu cầu: bé có nhu cầu khám phá, bé lăn vào nghịch, chơi hoặc hỏi, cảm nhận bằng tay…. Nhưng nếu  một số bé thụ động hơn, chưa có nhu  cầu  về khám phá, bé thường thu mình  lại nhiều hơn… thì chính người lớn cần có những  tương tác  và  hỗ trợ để con thể hiện nhu  cầu, kích thích nhu cầu  khám phá và phát triển của con.

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ theo những  giai  đoạn khác  nhau và  mỗi thời kỳ có những đặc điểm nhất  định. Theo như nghiên cứu của tâm lý học phát triển thì giai đoạn 13 đến 15 tháng ngôn ngữ của trẻ phát triển một số tiêu chí sau:

– Thích thú với giai điệu: có thể là trẻ thích các bài hát trẻ có thể bắt chước theo âm điệu của chúng hoặc thể hiện qua cử chỉ, hành động.

– Dùng nhiều phụ âm hơn (p, b, m, n, h).

– Có thể dùng được 7 từ hoặc nhiều hơn: ba, bà, bố, mẹ, măm… tuy nhiên mỗi trẻ lại thích thú và có khả năng nói những từ khác nhau.

– Trẻ có thể dùng giọng và cử chỉ để có được đồ vật mong muốn: như kéo tay người khác, gọi người khác bằng các âm ê, a hoặc bababa… để nhờ giúp đỡ.

– Trẻ bắt đầu bắt chước các từ mới nhưng chưa rõ mà chỉ bắt chước theo âm thanh gần đúng nhưng trẻ có phần tích cực hơn trong giao tiếp mắt (quan sát người khác phát âm để mấp máy môi phát âm theo).

– Hiểu câu hỏi đơn giản: Ở đâu? Cái gì?

– Nhận ra tên các bộ phận cơ thể: mắt, tay, mũi, miệng…

Như vậy, nếu theo  các thông tin chị cung cấp, chưa đủ căn cứ  để xác định bé chậm nói hay không, chỉ có thể có những nhạn xét như bé có xuất hiện một số biểu hiện bé chậm nói nhưng chưa đầy đủ  để căn cứ  và chưa có cơ  sở đế xác định là bé chậm nói đơn thuần hay bé chậm nói có kèm theo  các rối loạn khác..  Tuy nhiên để dạy con nói chị nên tìm những lúc mà con đang rảnh không chơi hoặc xem bất cứ thứ gì để đảm bảo rằng trẻ có thể tập trung vào việc học nói, không bị xao nhãng bởi những vấn đề xung quanh. Ngoài ra, trong khi con chơi, chị có thể tham gia cùng con, cố gắng thu hút được ánh mắt của con nhìn chị khi phát âm, nói chậm và nhấn mạnh vào những từ mà chị muốn dạy con. Nên dạy bé những từ có 1 hoặc 2 âm tiết, dễ phát âm và phải nhắc lại nhiều lần cho con.

Gia đình chị cũng nên hạn chế cho con tiếp xúc TV, điện thoại… bởi những phương tiện này chỉ mang tính giao tiếp một chiều sẽ không tạo ra nhu cầu giao tiếp cho con.