Test Denver II – TRUNG TÂM GIÁO DỤC NGÀY MỚI

Test Denver II là một trong những thang đánh giá Tâm – Vận động trẻ em được sử dụng phổ biến ở nhiều Quốc gia trên Thế giới và đã được chuẩn hóa tại Việt Nam. Trung tâm giáo dục Ngày Mới là một trong những cơ sở áp dụng thang đánh giá Denver II trong quá trình phát hiện, chẩn đoán và can thiệp tâm lý cho học sinh tại trường. Test Denver cũng là một công cụ có thể dùng để đánh giá đầu vào cho quá trình tuyển sinh trẻ tự kỷ hòa nhập mầm non. Thông qua bảng kiểm tra, nhà chuyên môn có thể đưa ra các thông tin hỗ trợ quá trình tuyển sinh và xây dựng chương trình hỗ trợ giáo dục trẻ phát triển và hòa nhập mầm non. Denver II cũng có chuyên mục đánh giá ngôn ngữ cho trẻ, thông qua các nội dung về ngôn ngữ này, phụ huynh cũng có thể định lượng được một phần khả năng phát triển ngôn ngữ của con mình.

danh gia tre

TUYỂN SINH TRẺ TỰ KỶ HÒA NHẬP MẦM NON
1. Lịch sử ra đời:
Tên đầy đủ của test Denver là Denver Developmental Screening Test (viết tắt là DDST). Test Denver còn được gọi là Trắc nghiệm Đánh giá sự phát triển tâm lý – vận động cho trẻ nhỏ. Nhóm tác giả xây dựng test Denver là William K. Pranken Burg, Josian B. Doss và Alma W. Fandal thuộc Trung tâm Y học Denver (Colorado, Hoa Kỳ) (Ngô Công Hoàn, 1997). Test Denver được áp dụng lần đầu tiên vào năm 1967, được tiêu chuẩn hoá trên 20 quốc gia và đã được áp dụng cho hơn 50 triệu trẻ em trên toàn thế giới (Bệnh viện nhi TW, 2004).
Tại Việt Nam, Trắc nghiệm Đánh giá sự phát triển tâm lý – vận động cho trẻ nhỏ đã được áp dụng đầu tiên tại Khoa thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội từ năm 1977 (gọi là test Denver I) (Lê Đức Hinh, 1989). Từ năm 2000, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục nghiên cứu và chuẩn hoá thành test Denver II và từ đó đến nay đã có nhiều đơn vị khác trong nước tiếp tục triển khai thực hiện (Khoa nhi, 2004). Test Denver II có một số thay đổi và điều chỉnh so với Test Denver 1 cho phù hợp với môi trường và văn hoá Việt Nam và bao gồm nhiều item hơn (Test Denver I: 105 item; Test Denver II: 125 item) (Phòng trắc nghiệm tâm lý N-T, 1999)
2. Mục đích sử dụng Trắc nghiệm Đánh giá sự phát triển tâm lý – vận động cho trẻ nhỏ tại Trung tâm giáo dục Ngày Mới
Trắc nghiệm Đánh giá sự phát triển tâm lý – vận động cho trẻ nhỏ không phải là loại trắc nghiệm đánh giá phát triển về trí tuệ (test IQ), vì các trắc nghiệm đánh giá về trí tuệ chỉ được áp dụng cho những trẻ em từ 7 tuổi trở lên.
Mục đích chính của Trắc nghiệm Đánh giá sự phát triển tâm lý – vận động cho trẻ là nhằm đánh giá mức độ phát triển tâm lý – vận động ở trẻ nhỏ từ sơ sinh đến 6 tuổi và giúp phát hiện sớm những tình trạng chậm phát triển ngay từ trong giai đoạn 6 năm đầu đời, từ đó có những biện pháp can thiệp kịp thời.
Trắc nghiệm Đánh giá sự phát triển tâm lý – vận động còn được dùng để so sánh sự phát triển của trẻ ở các lĩnh vực trên với các trẻ khác ở cùng độ tuổi.
3. Mô tả Test Denver II:

3.1. Các khu vực được kiểm tra của Trắc nghiệm Đánh giá sự phát triển tâm lý – vận động:
Test kiểm tra một cách khá toàn diện sự phát triển của trẻ, tập trung vào 4 lĩnh vực:
1. Khu vực cá nhân – xã hội: đánh giá khả năng nhận biết bản thân, chăm sóc bản thân và thiết lập quan hệ tương tác với người khác.
2. Khu vực vận động tinh tế – thích ứng: đánh giá khả năng vận động khéo léo của đôi tay và khả năng quan sát tinh tế của đôi mắt.
3. Khu vực ngôn ngữ: đánh giá khả năng lắng nghe và đáp ứng với âm thanh, khả năng phát âm, và sau cùng là khả năng phát triển ngôn ngữ (nghe hiểu và nói).
4. Khu vực vận động thô: đánh giá khả năng phát triển các vận động toàn thân và khả năng giữ thăng bằng của cơ thể.

3.2. Các thông tin trên phiếu trắc nghiệm đánh giá sự phát triển tâm lý – vận động:
Phiếu kiểm tra bao gồm 125 mẫu hành vi (items). Các mục đó được sắp xếp trên phiếu kiểm tra theo 4 phần, từ trên xuống dưới (Bệnh viện nhi TW, 2004).
– Phần cá nhân – xã hội (25 items)
– Phần vận động tinh tế – thích ứng (29 items)
– Phần ngôn ngữ (39 items)
– Phần vận động thô (32 items)
4. Các bước tiến hành trắc nghiệm đánh giá sự phát triển tâm lý – vận động:
– Bước 1: Ghi ngày, tháng, năm sinh của trẻ để tính chính xác lứa tuổi của trẻ.
– Bước 2: Vẽ đường tuổi
– Bước 3: Xác định các items cần thực hiện tùy theo lứa tuổi của trẻ.
– Bước 4: Tuần tự thực hiện các items đã xác định ở bước 3.
– Bước 5: Ghi kết quả từng items (làm được: Đ, làm không được: K, không muốn làm hoặc không có cơ hội làm: R)
– Bước 6: Tổng hợp kết quả các items và đánh giá kết quả, với 3 mức độ như sau:
+ Phát triển bình thường (không có item chậm phát triển và tối đa một item nghi vấn)
+ Nghi ngờ chậm phát triển (hơn 2 items nghi vấn, trên một item chậm phát triển)
+ Chậm phát triển (có ít nhất 2 items chậm phát triển ở ít nhất 2 khu vực được kiểm tra)
– Bước 7: Trả lời kết quả và tư vấn hướng dẫn cho phụ huynh.
5. Kết luận:
Trắc nghiệm Đánh giá sự phát triển tâm lý – vận động cho trẻ nhỏ là một trong những loại test được sử dụng khá phổ biến tại các cơ sở thăm khám tâm lý trẻ em tại Việt Nam. Trắn nghiệm đã được sử dụng như một công cụ rất hữu ích cho việc chuẩn đoán các vấn đề về tâm vận động của trẻ, đặc biệt là có thể phát hiện sớm những vấn đề liên quan đến chậm phát triển. Tuy nhiên, vì không có một loại test nào thật sự hoàn hảo, nên để chuẩn đoán một cách toàn diện và để đưa ra được kết luận một cách chính xác sự phát triển của trẻ, các chuyên viên tâm lý cần phải sử dụng nhiều loại test khác nhau, chứ không nên chỉ áp dụng một loại test duy nhất.

Tài liệu tham khảo:
– Bệnh viện nhi Trung ương (2004), Hướng dẫn thực hành Denver II, Hà Nội
– Ngô Công Hoàn và các cộng sự (1997), Những trắc nghiệm tâm lý, Nhà Xuất Bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
– Phòng trắc nghiệm tâm lý N-T, Trắc nghiệm đánh giá sự phát triển tâm lý vận động Denver.