Nguyên tắc hỗ trợ cho bé chậm nói

Bé chậm nói là một trong những  dạng  khác  nhau mà các bé có thể mắc phải, xuất  hiện trong nhiều  rối  nhiễu tâm lý khác nhau, từ có nguyên nhân ở  môi  trường, nguyên nhân ở trẻ chậm khôn đến hội chứng tự kỷ, nhưng sự rối loạn ngôn ngữ ở trẻ tự kỷ thường đa dạng và phức tạp hơn.

Tuy nhiên để đánh giá được đứa  trẻ chậm nói là do những  nguyên nhân nào, cần có những quá trình theo  dõi, tương  tác, quan sát  và chăm sóc ở những khía cạnh khác  nhau trong thời gian nhất  định.  Để tìm ra được  nguyên  nhân bé chậm nói cũng là yếu tố quan  trọng quyết  định  các liệu trình đánh giá và can thiệp cho bé, tuy nhiên chỉ nhìn vào những biểu  hiện  bên ngoài mà vội vàng quyết định bé chậm nói do tự kỷ hay  do  chậm phát  triển trí tuệ là điều quá vội vàng..

Nguyên lý  chăm  sóc bé  chậm nói

Việc chăm sóc cho trẻ chậm nói là một tiến trình lâu dài, cần phải có một kế hoạch cụ thể, qua đó cha mẹ phải tìm ra được những gì mà trẻ có thể làm, ta xem trẻ đang cố gắng giao tiếp bằng cách nào: Dùng điệu bộ, từ hay âm. Khi biết trẻ có ý định giao tiếp ta hãy giúp trẻ có khả năng giao tiếp với từng loại thông tin khác nhau. Khi trẻ chỉ có phản ứng, ta vẫn chấp nhận phản ứng của trẻ nhưng cố gắng giúp trẻ chủ động hơn trong sự giao tiếp. Trong trường hợp trẻ tỏ ra không biết hay không muốn giao tiếp, ta cần có những tác động kích thích (ôm ấp, vỗ về, hỏi han, cười, nhìn trẻ) Và khi trẻ đã có phản ứng, hãy khích lệ trẻ để trẻ có thể nói (bằng lời hay bằng dấu hiệu) các nhu cầu của mình.

Trẻ có thể có những phản ứng đồng ý hay không đồng ý, đôi khi chúng ta cần có những tác động để trẻ phản đối (lấy đồ chơi, bắt trẻ ngưng làm điều mà trẻ thích) nhưng là để quan sát cách biểu lộ bằng hành vi hay ngôn ngữ để phản đối của trẻ chứ không nên kéo dài, hay cố gắng trêu chọc dể trẻ phải phản ứng mạnh hơn.

 
Trong cuộc sống, trẻ sẽ có sự quan sát và ghi nhận những hoạt động bằng hình ảnh và ngôn ngữ xảy ra chung quanh mình. Vì vậy bố mẹ cần tích cực trong việc :

–   Chào hỏi nhau, chào hỏi bạn bè, họ hàng, con cái … để trẻ học và hiểu ý nghĩa các lời chào hỏi này. Và thường xuyên tác động khi gặp trẻ bằng những câu chào hỏi.

–   Mô tả, nói ra những nhu cầu của trẻ, những yêu cầu và hành động của bố mẹ, của những người xung quanh, giúp trẻ tăng cường vốn từ, sự hiểu biết.

–   Khi chơi với trẻ, hãy thường xuyên đặt câu hỏi và tự trả lời (vì trẻ sẽ không thể trả lời ngay, hay chỉ có thể phản ứng bằng hành động: gật đầu, lắc đầu, đẩy ra, đưa tay tóm lấy… )

–   Thỉnh thoảng có thể dấu một món đồ đi và đặt ra câu hỏi : Con búp bê đâu rồi ?

Trong việc dạy trẻ, một điều rất quan trọng là cần kết hợp giữa SỰ VUI THÍCH và YÊU CẦU. Nếu muốn trẻ học tốt, trẻ phải có sự vui thích trong khi học, vì vậy việc hướng dẫn từ ngữ nên thông qua các trò chơi là chính, phải biến đổi cả những hoạt động bình thường như ăn uống…cũng có thể trở thành những trò chơi để trẻ luôn luôn đáp ứng trong sự tự nguyện vì vui thích và mong muốn chứ không phải đáp ứng vì ép buộc hay miễn cưỡng trong sự lo lắng.

Như vậy, việc lập một kế hoạch tập nói cho trẻ phải dựa trên các yếu tố sau:

–     Nói với trẻ, diễn giải ra bằng ngôn ngữ nói càng nhiều càng tốt.

–     Nói và giải thích, hỏi và trả lời một cách thật cụ thể.

–    Tạo ra mọi cơ hội trong mọi thời điểm và ở mọi nơi.

–    Chú trọng yếu tố vui thích trong mọi yêu cầu.