Theo chuyên gia tâm lý, đối với các trẻ chậm nói được đánh giá là trẻ “chớm tự kỷ” hoặc “cần theo dõi tự kỷ” thường xuất hiện các dấu hiệu như: Thiếu kỹ năng chơi, khả năng phát triển nhận thức hạn chế, con có thể đã có ngôn ngữ nói hoặc chưa có ngôn ngữ.


Hoạt động đánh giá tâm lý tại Trung tâm Ngày Mới

Tuy nhiên anh chia sẻ: "Bé V đươc 27 tháng tuổi, ngày nhỏ con bị viêm phổi nên thể trạng khá yếu, mãi đến năm 2 tuổi bé mới khỏe và có nhiều bước phát triển hơn về thể chất và tâm lý. Nhưng trong giai đoạn gần đây, con bước đầu nói được vài ba từ đơn, chỉ khi con thích con mới nói, ít nghe lời nói của bố mẹ. Gia đình nhận thấy con chậm hơn so với các bạn cùng độ tuổi ở lớp mầm non. Nên cho đi kiểm tra và được kết luận như vậy, nghe nói đến chứng tự kỷ, gia đình rất lo lắng và băn khoăn khi biết đấy là hội chứng có thể ảnh hưởng đến suốt đời của trẻ".

Qua loạt bài phân tích về “Trẻ chậm nói” và "Trẻ tự kỷ" của Báo Đời sống và Tiêu dùng, gia đình có thêm kiến thức nhưng rất lo sợ về việc kết luận “theo dõi tự kỷ” của bác sỹ có phải là tình trạng tự kỷ của con hay không?

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Quyết - Giám đốc Trung tâm giáo dục trẻ em Ngày Mới (Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) cho biết: “Trẻ có biểu hiện chung là chậm nói, thiếu kỹ năng chơi, chưa tham gia được những bài kiểm tra cơ bản theo những thang đánh giá tâm lý khác nhau… và có những kết luận như “chớm tự kỷ” hoặc “cần theo dõi tự kỷ” thì chưa có cơ sở khoa học để khẳng định đó là trẻ tự kỷ. Do đó gia đình không nên quá lo lắng, bàng hoàng trước thông tin như vậy, nhưng cần theo dõi và tập trung cho con để nhận thấy sự thay đổi của con như thế nào?”.

Theo Thạc sĩ: Hoàng Văn Quyết - Giám đốc Trung tâm giáo dục trẻ em Ngày Mới, hiện tại trên thế giới có hai hệ thống phân loại bệnh mang tính Quốc tế có thể đưa ra chẩn đoán HCTK là “Bảng phân loại bệnh quốc tế” (ICD) và “Sổ tay thống kê và chẩn đoán các rối loạn tâm thần” (DSM). Ở Việt Nam các chuyên gia tâm lý và bác sỹ Nhi vẫn thường sử dụng cuốn Sổ tay thống kê và chẩn đoán các rối loạn tâm thần của Hội tâm thần học Hoa Kỳ xuất bản lần thứ 4 ( DSM-IV) với các biểu hiện của Trẻ tự kỷ như: Biến đổi về chất lượng trong các tương tác xã hội; Biến đổi chất lượng về sự giao tiếp; Tính chất giới hạn, định hình và lặp đi lặp lại trong hành vi và hoạt động. Những biểu hiện trên có thể xuất hiện ở trẻ từ rất sớm dưới 12 tháng tuổi, cũng có nhiều trẻ đến 30 tháng tuổi, sau những lần sốt cao, co giật… thì xuất hiện và kèm theo những thoái lui về phát triển.

“Để kết luận được trẻ có những biểu hiện trên là trẻ tự kỷ, cần ít nhất trong khoảng từ 3 tháng theo dõi và can thiệp tích cực cho học sinh và độ tuổi tối thiểu để kết luận trẻ tự kỷ là từ 3 tuổi trở lên”, ông Quyết phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia tâm lý, đối với các trẻ chậm nói được đánh giá là trẻ “chớm tự kỷ” hoặc “cần theo dõi tự kỷ” thường xuất hiện các dấu hiệu như: Thiếu kỹ năng chơi, khả năng phát triển nhận thức hạn chế, con có thể đã có ngôn ngữ nói hoặc chưa có ngôn ngữ.


Khóa học kích hoạt ngôn ngữ tại Trung tâm Ngày Mới

Với các dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ trẻ thường đi kèm với một vài biểu hiện hành vi như thiếu tập trung chú ý, sở thích hạn hẹp do trẻ không được tham gia nhiều các hoạt động, đi nhón chân, có những biểu hiện hành vi chưa phù hợp do bắt chước hoặc trẻ xem tivi quá nhiều,… Những biểu hiện này thường xuất hiệu ở cả trẻ tự kỷ và trẻ chậm nói. Tuy nhiên theo lý giải của các chuyên gia tâm lý thì gia đình không quá lo lắng, bởi vì trong độ tuổi của trẻ từ 24 tháng đến 36 tháng tuổi là giai đoạn trẻ có sự phát triển mạnh về ngôn ngữ, trẻ xuất hiện nhiều các nhu cầu cá nhân, mong muốn được thể hiện và tham gia nhiều hoạt động. Tuy nhiên do hạn chế về khả năng ngôn ngữ là nguyên nhân chính khiến trẻ xuất hiện nhiều hành vi. Nhưng khi được can thiệp tâm lý và điều chỉnh hành vi, đa số các trẻ này lại phát triển hoàn toàn bình thường.

Theo giám đốc trung tâm, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục Trẻ em Ngày Mới đã tiếp nhận và đánh giá tâm lý cho nhiều trường hợp được chẩn đoán là dấu hiệu “chớm tự kỷ”, “cần theo dõi tự kỷ” và sử dụng một số thuốc bổ não,… Tuy nhiên sau khi được đánh giá và thực hiện các chương trình can thiệp cá nhân, giáo dục hòa nhập theo nhóm và có sự hướng dẫn, kết hợp với gia đình cùng can thiệp, rất nhiều bé sau quá trình can thiệp tích cực từ 3 đến 6 tháng thì phát triển hoàn toàn bình thường và hòa nhập được với các trẻ cùng lứa tuổi ở trường mầm non.

Từ đó, các chuyên gia tâm lý cũng khuyên rằng, với việc được chẩn đoán như “chớm tự kỷ” hay “cần theo dõi tự kỷ” do con có những hạn chế nhất định về ngôn ngữ và hành vi, gia đình không nên quá lo lắng, hoảng sợ và mất niềm tin vào sự phát triển của con. Ngược lại gia đình cần có những phương án hỗ trợ tích cực cho con như cho con tham gia các chương trình can thiệp cá nhân một cách tích cực, hạn chế việc trẻ xem tivi, điện thoại, trẻ chơi một mình, chơi tự do… Ngoài ra cũng có thể cho con đi học mầm non, tham gia với các bạn cùng độ tuổi giúp con hòa nhập và phát triển hơn.