Phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu chậm phát triển của con
Không ít trẻ trong độ tuổi từ 2 tuổi đến 6 tuổi được đưa đi đánh giá tâm lý và thăm khám ở các bệnh viện Nhi TW và các cơ sở can thiệp tâm lý có biểu hiện chậm nói, chậm phát triển trí tuệ cũng như tự kỷ, với các kết luận của các chuyên gia tâm lý như “trẻ tự kỷ”, “trẻ có dấu hiệu theo dõi tự kỷ”, trẻ chậm nói”, các biểu hiện lâm sàng của các trẻ này khi được thăm khám khá giống nhau, nhưng cách điều trị lại rất khác nhau. Vậy, làm thế nào để phân biệt được hai chứng chậm nói và tự kỷ ở trẻ khi chúng có nhiều biểu hiện rất giống nhau và dễ gây nhầm lẫn này?
Chia sẻ với phóng viên, phụ huynh của bé Hải Đăng (Hà Nội) đã 24 tháng tuổi nhưng chưa hề bập bẹ được từ nào. Qua tìm hiểu trên mạng, mẹ bé nhận thấy con mình có rất nhiều biểu hiện của trẻ tự kỷ. Ví dụ như: Chậm nói, không quay lại khi người lớn gọi, ít nhìn vào mắt người đối diện, hay cào cấu, đập người khác, nhại lời, xoay tròn người, kiễng chân… Lo lắng con mình có thể bị tự kỷ, gia đình đã đưa bé đến khám tại Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày Mới thì được kết luận con có biểu hiện chậm phát triển và rối loạn phát triển ngôn ngữ.
Tuy nhiên bố mẹ Hải Đăng vẫn rất lo lắng khi con có nhiều dấu hiệu giống trẻ tự kỷ như: Không nhìn vào mắt người khác, không có phản xạ khi bố mẹ âu yếm vuốt ve, khi đưa một vật gì đó thì không quan tâm đến phản ứng của người khác. Thích xoay vòng tròn đồ vật, chơi một mình và theo ý thích của mình, con cũng có thể ăn vạ và khóc rất nhiều khi bị thay đổi cách chơi. Do đó, bố mẹ cũng rất hoang mang về việc phân việt trẻ tự kỷ và chậm nói như thế nào, cũng như có những phương pháp nào để trị liệu cho con.
Không những trường hợp của phụ huynh bé Hải Đăng mà nhiều phụ huynh ở Hà Nội, khi có con trong trường hợp này cũng gặp rất nhiều rắc rồi khi khó có thể phân biệt được trẻ em tự kỷ và trẻ chậm nói, thậm chí trong gia đình, bố - mẹ, ông – bà… cũng xảy ra bất đồng quan điểm khi phân biệt các triệu chứng đó, dẫn tới việc can thiệp, chữa trị cho bé gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Hoàng Văn Quyết – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Trẻ em Ngày Mới (Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam), thông qua các số liệu của các bệnh viện Nhi cũng như số liệu thống kê của Trung tâm cho thấy, hằng năm số lượng trẻ được đưa đi thăm khám, đánh giá tâm lý với lý do nghi bị tự kỷ ngày càng tăng. Sự nhầm lẫn đó thực ra là dễ hiểu, do thông tin quá nhiều trên các trang mạng cũng như các biểu hiện của trẻ tự kỷ và trẻ chậm nói khá giống nhau, khiến các bậc phụ huynh hoang mang và lo lắng. Tuy nhiên hai hội chứng tâm lý này là hoàn toàn khác nhau, các bậc phụ huynh cũng không nên đánh đồng nó và gây hoang mang bất đồng trong trị liệu cho bé.
Tiêu chuẩn để chẩn đoán và khẳng định trẻ tự kỷ phải dựa trên rất nhiều yếu tố theo tiêu chuẩn quốc tế, hội đủ 3 biểu hiện: Giảm tương tác xã hội, thiếu khả năng giao tiếp ngôn ngữ và có hành vi lặp đi lặp lại, rập khuôn, bất thường. Và thời điểm thể hiện rõ nhất là sau 3 tuổi để có thể đưa ra kết luận trẻ có bị tự kỷ hay không. Tuy nhiên những biểu hiện này có thể xuất hiện từ những năm đầu tiên của trẻ.
“Với giảm tương tác, bé ít nhìn mắt, ít chỉ tay, ít cử chỉ giao tiếp, không chơi với bạn, gọi ít quay lại, không khoe, không chia sẻ quan tâm với người khác… Trong giảm giao tiếp, bé chậm nói, nhại lời, phát âm vô nghĩa, giọng nói khác thường, không biết chơi giả vờ, ngôn ngữ có xuất hiện nhưng sau đó lại mất... Còn các hành vi bất thường là: Hay cầm lâu, gắn bó quá mức với một người hoặc một thứ gì đó, cuốn hút quá mức với tivi, logo sách, chữ, số bấm nút đồ điện, đi kiễng chân, chạy vòng quanh, nhìn tay, ăn ít nhai…”, ông Hoàng Văn Quyết - Giám đốc Trung tâm Ngày Mới cho hay.
Hoạt động can thiệp cho các bé chậm nói Tại trung tâm Ngày Mới
Cũng theo chuyên gia tâm lý Hoàng Văn Quyết - Giám đốc Trung tâm Ngày Mới, đối với các trẻ chậm nói do thiếu môi trường tương tác hoặc do xem tivi quá nhiều cũng có một số biểu hiện về khả năng tương tác, giao tiếp bất thường như trên.
Tuy nhiên, điểm phân biệt rõ nét nhất của trẻ có thể mắc chứng tự kỷ là ngoài hạn chế giao tiếp ngôn ngữ, trẻ còn hạn chế biểu hiện cảm xúc tương tác như cáu gắt, tự làm đau bản thân, các đặc điểm hành vi gắn bó quá mức, lặp đi lặp lại, các biểu hiện rối loạn cảm xúc, rối loạn xúc giác, khả năng nghe hiểu, rối loạn tiêu hóa, giấc ngủ,…
Các biểu hiện hành vi tự kỷ cần được quan sát theo dõi hằng ngày và thường xuyên trong thời gian ít nhất 3 tháng để có thể đứa ra những kết luận về chứng tự kỷ của trẻ. Do đó, với chậm nói chuyên gia đánh giá có thể đưa ra những kết luận sau những buổi thăm khám đầu tiên nhưng với trẻ tự kỷ cần có thời gian quan sát hành vi rất dài và thường xuyên để có thể kết luận được chứng tự kỷ của con.
Dù trẻ mắc Hội chứng tự kỷ hay chậm nói đơn thuần, rối loạn phát triển ngôn ngữ, thì phụ huynh cũng cần nhận thức và cho con tham gia các chương trình can thiệp sớm.
Với trẻ chậm nói, có thể điều trị và can thiệp bằng các liệu pháp tâm lý và thay đổi môi trường sống cho con như hạn chế xem tivi, điện thoại, tránh cho con chơi tự do một mình và thường xuyên chơi trò chuyện với con thì trong thời gian từ 3 - 6 tháng có thể điều trị dứt điểm chứng chậm nói của trẻ và giúp con hòa nhập với môi trường xã hội, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ và tương tác. Con với trẻ tự kỷ cần có khoảng thời gian từ 3 tháng để điều trị và theo dõi sự thay đổi hành vi của con, sau đó cũng cần các liệu pháp tâm lý tác động và điều chỉnh nhất định sự phát triển của con.
Với trẻ mắc chứng chậm nói, các chuyên gia tâm lý có thể điều trị khỏi hoàn toàn và giúp bé hòa nhập với môi trường sống. Con với trẻ tự kỷ, các phương pháp điều trị sẽ giúp bé cải thiện chức năng tương tác, hành vi, ngôn ngữ, giúp bé ổn định và phát triển trên một nền tảng cơ sở nhất định. Bởi vì Hội chứng tự kỷ ở trẻ em là hội chứng suốt đời, ảnh hưởng đến quá trình phát triển suốt đời của con người từ thời kỳ trẻ nhỏ.
Cũng theo ông Hoàng Văn Quyết, có rất nhiều trẻ tự kỷ biểu hiện rất nặng nhưng được đưa đến Trung tâm Giáo dục Trẻ em Ngày Mới thăm khám, đánh giá tâm lý khi đã 5 – 6 tuổi, phụ huynh nhận thấy không thể học được tiểu học nên mới cho con đi khám, và bị chẩn đoán tự kỷ thì đã quá muộn để áp dụng những phương pháp can thiệp sớm.
“Việc phát hiện muộn các triệu chứng liên quan, sức khỏe tâm lý của trẻ sẽ hạn chế rất nhiều kết quả trị liệu, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển ngôn ngữ và khả năng xã hội hóa của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ để phát hiện sớm các triệu chứng này và có kế hoạch giúp đỡ hiệu quả cho con ở những giai đoạn đầu đời, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi từ 12 tháng đến 36 tháng tuổi”, ông Hoàng Văn Quyết - Giám đốc trung tâm Ngày Mới tư vấn.