Bé chậm phát triển kỹ năng xã hội

Đối với nhiều bé, việc chơi ở nhà  và những chỗ thân  quen, người thân, con rất vui  tươi, thoải mái, trêu  đùa thỏa thích. Tuy nhiên, khi gặp người  mới  hoặc đến môi trường mới  thường co dúm lại, không mở  miệng nói được nên lời. Đó cũng có thể là dấu hiệu của  bé đang có những trục trặc nhất định trong phát triển kỹ năng xã hội.

Phát triển kỹ năng xã hội là khả năng học cách giao tiếp, chơi và xây dựng mối quan hệ với người khác. Mặc dù quá trình này kéo dài suốt cuộc đời, song năm đầu tiên của bé là thời điểm rất quan trọng và thú vị, khi bé có thể học tập những kỹ năng này nhanh chóng.

Trước tuổi lên 2, bé sẽ chưa cần kết bạn: bố mẹ và người chăm sóc sẽ là “bạn chơi” chính của bé. Nhưng từ lúc mới sinh, bé đã bắt đầu học các kỹ năng xã hội. Bé sẽ nhìn mặt bố mẹ chăm chú và có thể bắt chước một số kiểu nét mặt. Khi lớn dần, bé bắt đầu học cách giao tiếp bằng cách nhìn vào mắt người khác, mỉm cười và bập bẹ.

Mỗi bé có cá tính duy nhất. Do vậy điều gì là bình thường với bé khác, có thể không phải là bình thường với con bạn.

Vậy điều gì là dấu hiệu của bé chậm phát triển kỹ năng xã hội:

Việc em bé của bạn trải qua cảm giác lo lắng vì xa cách vào khoảng 8 tháng tuổi là hoàn toàn bình thường. Nên nhớ rằng tất cả các bé đều có những ngày như vậy. Nhưng nếu bé dường như lo lắng trong một thời gian dài, hoặc lo lắng trong nhiều tình huống xã hội khác nhau, đó có thể là dấu hiệu bé gặp khó khăn:

Chú ý  quan sát  những  yếu  tố  sau  đây, bạn có  thể  thấy  được đâu  là  dấu hiệu bé chậm phát triển các kỹ năng  xã hội:

– Không cười với người khác.

– Không thể duy trì tiếp xúc mắt với người khác.

– Nhìn đi chỗ khác hoặc quay người đi khi tiếp xúc với người khác.

– Khóc nhiều hơn bình thường trong các tình huống mới có liên quan đến những người khác, hoặc ở nơi xa lạ.

– Đỏ mặt hoặc đỏ mặt và cổ khi phải giao tiếp với người ngoài.

– Muốn được bế liên tục trong các tình huống xã hội, ngay cả với những người tương đối quen biết.

– Chỉ vui vẻ khi đi với một nhóm nhỏ người.

– Căng thẳng và nóng người khi ở cùng những người khác.

– Khó cảm thấy thoải mái trong các tình huống xã hội.

Khi phát hiện trẻ có vấn đề, cha mẹ cần dành rất nhiều thời gian trong ngày để nhìn và trò chuyện với trẻ. Cho trẻ thật nhiều cơ hội để học hỏi từ bạn. Cho bé tham gia thật nhiều tình huống xã hội khác nhau và mới mẻ, trong đó luôn có bạn ở bên để trẻ an tâm.

Đặc biệt chú ý tới sự tiếp xúc mắt của bé, âm thanh mà bé tạo ra và bất kỳ sự thể hiện lo lắng nào trong các tình huống tiếp xúc xã hội. Nếu bạn nhận thấy có sự khác biệt đáng kể và dai dẳng giữa con mình và những đứa trẻ khác cùng tuổi, hãy đưa bé đi bác sĩ kiểm tra.

 

                                                                                                                                                                                     babycenter