Các dấu hiệu quan trọng nhất của bé mắc chứng tự kỷ?
Ngày nay, tuy Khoa học chưa tìm ra những phương pháp và nguyên nhân chính gây ra chứng tự kỷ ở trẻ, song những nỗ lực của khoa học dần dần vén bức màn tự kỷ ngày càng sáng rõ hơn, đem lại những bức trang về tự kỷ ngày một sáng rõ hơn để các gia đình có thể đối chiếu và nhìn nhận các bé một cách hiệu quả nhất.
Bức tranh về trẻ mắc chứng tự kỷ đó được thể hiện thông qua những dấu hiệu quan trọng như sau, các mẹ có thể tham khảo và phát hiện sớm những biểu hiện của trẻ. Tuy là chưa có phương pháp hữu hiệu nhất cho mọi trẻ tự kỷ, nhưng những phương pháp can thiệp cho bé có chứng tự kỷ có những ưu điểm riêng và yếu tố tiên quyết đó là phát hiện sớm, can thiệp sớm. Phát hiện càng sớm và can thiệp càng sớm, cơ hội hòa nhập của bé càng cao hơn.
Bé mắc chứng tự kỷ, đặc biệt là tự kỷ điển hình, thường bộc lộ nhiều những dấu hiệu như sau:
Kỹ năng xã hội: Trẻ tự kỷ thường tỏ thái độ thờ ơ, không quan tâm đến những người xung quanh kể cả bố mẹ.
– Không thích bất kỳ ai ôm ấp kể cả bố mẹ.
– Tỏ ra thờ ơ với những sự việc xảy ra ở xung quanh mình.
– Tỏ ra không quan tâm, hứng thú với đồ chơi
– Không sử dụng mắt để giao tiếp và cảm thấy thoải mái khi được ở một mình.
– Trẻ gặp khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc của chính mình và hiểu cảm xúc của người khác. Trẻ không thích chia sẻ cảm xúc của mình với bất kỳ ai.
– Không thích chơi với những đứa trẻ cùng lứa tuổi.
Ngôn ngữ nói, viết, và giao tiếp: Khiếm khuyết trong cách giao tiếp là một trong những dấu hiệu cơ bản của trẻ tự kỷ
– Gần một nửa số trẻ tự kỷ không thích hoặc không thể nói chuyện. Số còn lại giao tiếp rất hạn chế trong một vài chủ đề hoặc chỉ sử dụng một vài từ ngữ quen thuộc.
– Một số trẻ tự kỷ xuất hiện hành vi nhại lời, lặp lại một vài từ hoặc cả câu một cách vô thức với giọng nói đều đều mà không hiểu ý nghĩa của câu mình nói.
– Gặp khó khăn khi hội thoại với người khác: không biết bắt đầu câu chuyện thế nào, không biết làm thế nào để tiếp tục cuộc hội thoại. Một số trẻ tự kỷ có thể nói liên tục về một chủ đề nhưng lại không hiểu mình đang nói gì cả.
– Gặp khó khăn trong việc giao tiếp không lời: trẻ không biết sử dụng cử chỉ như bắt tay, giơ tay chào, không biết cách sử dụng ánh mắt hay biểu cảm trên khuôn mặt để giao tiếp.
– Trẻ tự kỷ thường không hiểu được ý tứ của câu ví dụ không phân biệt được đâu là nói đùa đâu là nói mỉa mai mặc dù trẻ vẫn có thể hiểu được ý nghĩa các từ ngữ trong câu.
Hành vi lặp đi lặp lại:
– Trẻ có thể tự xoay tròn hoặc bật tắt công tắc điện hàng giờ mà không chán.
– Những hành vi rập khuôn như đung đưa, đi nhón chân, vỗ tay cũng rất hay xuất hiện ở trẻ tự kỷ.
Sự cứng nhắc trong lịch trình: Trẻ thích làm việc theo một lịch trình có sẵn, bất kỳ sự thay đổi nào trong lịch trình đều khiến trẻ sợ hãi và lo lắng.
Trẻ to ra hào hứng đặc biệt với một vài chủ đề hạn hẹp: Trẻ có thể nói liên tục hoặc chăm chú vào một chủ đề ví dụ như máy làm kem, tàu hỏa…
Thích thú đặc biệt với một bộ phận của vật: Trẻ tự kỷ chỉ quan tâm tới một phần hoặc bộ phận của vật chứ không thích toàn bộ vật đó ví dụ như trẻ thích cái bánh xe ô tô nhưng lại không thích cả cái xe.
Thoái lui phát triển: Đối với một số trẻ, dấu hiệu tự kỷ có thể xuất hiện từ khi trẻ còn sơ sinh nhưng một số trẻ khác vẫn phát triển bình thường cho đến khi hai tuổi thì các kỹ năng mà trẻ đã có sẽ bị thoái hóa dần.
Mỗi đứa trẻ tự kỷ có những cách biểu hiện khác nhau, có những dấu hiệu và hành vi khác nhau trong quá trình hình thành và phát triển, tuy nhiên trên đây là những dấu hiệu điển hình nhất. Nếu cha mẹ phát hiện con có những dấu hiệu trên, cần bình tĩnh và tìm ra những giải pháp phù hợp, đặc biệt là theo dõi các biểu hiện của bé, tần suất xuất hiện các biểu hiện trên. Nếu xuất hiện với tần suất nhiều, có thể gia đình cần những sự tư vấn của các bác sỹ tâm lý và có những giải pháp phù hợp cho bé.