Phụ huynh có thể đánh giá bé chậm nói như sau!

Những kiến thức  về các mốc phát triển  ngôn ngữ theo độ tuổi giúp cha mẹ hình dung về tiến trình phát triển của con. Tuy nhiên, trong khi trình tự (các giai đoạn) phát triển ngôn ngữ mà trẻ trải qua rất ổn định, độ tuổi chính xác khi trẻ đạt các mốc cụ thể lại dao động nhiều. Do đó  dựa vào  những mốc phát  triển khác  nhau  và  những  quan sát, kiểm tra con hằng ngày phụ huynh có thể nắm bắt nhanh các đặc điểm ngôn ngữ  của  con. Thông qua những câu hỏi  sau, phụ huynh có  thể đánh giá bé chậm nói hằng ngày  cùng con.

Sau đây là một số câu hỏi gợi ý, giúp bạn có đánh giá ban đầu về khả năng ngôn ngữ của con (trường hợp con bạn dưới 3 tuổi và bạn không thể hiểu hoặc giao tiếp dễ dàng với bé). Cần cảnh giác nếu bạn trả lời KHÔNG cho những câu hỏi này:

  1. Bé có cố gắng nói không?

Tới 12 tháng, bé phải tìm cách giao tiếp với bạn bằng lời nói. Những tiếng bi bô cũng được tính.

  1. Bé có quan tâm tới những người khác và phản ứng với sự hiện diện của người khác không?

Ở nhà, khi có người ra vào phòng, bé phải nhận ra và phản ứng. Phản ứng có thể bao gồm việc mỉm cười khi nhìn thấy người thân, khóc khi mẹ rời bé hay tìm cách nhìn theo khi mẹ rời phòng. Bé phải quan tâm và nhìn ngó khi gần đó có người đang hoạt động (ăn, đọc sách, chơi đồ chơi…).

  1. Bé có đều đặn học được thêm các từ mới hay không?

Một khi đã bắt đầu nói, bạn sẽ thấy bé tiến bộ không ngừng trong phát triển ngôn ngữ. Những từ đã nói được sẽ không mất đi, số lượng từ mới ngày càng tăng. Cẩn thận nếu khả năng nói của bé chững lại trong vòng vài tháng hoặc trẻ bắt đầu quên những từ đã biết.

  1. Bé có phản ứng khi nghe nhạc không?

Phần lớn trẻ dưới 3 tuổi đều có phản ứng nhất định với tiếng nhạc. Nếu bé vỗ tay, đung đưa người hay tìm cách nhún nhảy, lúc lắc đầu hay tìm cách hát theo điệu nhạc thì không phải lo. Trái lại, nếu bé không làm được những điều trên thì đáng lo ngại.

  1. Cách phát âm của bé có giống với cách phát âm của những người xung quanh không?

Trong khi giọng nói của mỗi người đều có đặc tính riêng, kiểu nói của bé phải phản ánh những gì bé nghe được từ những người xung quanh. Các nguyên âm mà bé phát ra không được quá lạ tai đối với bạn.

  1. Bé có thường xuyên phát âm đúng các phụ âm không?

Sẽ đáng lo nếu bé phát âm các phụ âm đúng cách nhưng lại nói một số từ theo cách riêng của mình và tình trạng này không được cải thiện khi trẻ lớn lên. Ví dụ, bé thường xuyên bỏ phụ âm đầu hay phụ âm cuối của các từ hoặc luôn thay thế âm t bằng âm c (chẳng hạn bé nói “đi cắm” thay cho “đi tắm”, “con côm” thay cho “con tôm”, “cháu tên Cùng” thay cho “cháu tên Tùng”).

  1. Bé có nhận ra và phản ứng với tên của mình không?

Khi bạn gọi tên, bé phải quay đầu về phía bạn hoặc nhìn thẳng vào bạn. Bé 4 tháng đã có thể làm được điều này. Hãy cẩn thận nếu đến sinh nhật lần đầu mà bé vẫn chưa làm được như vậy.

  1. Bé dùng lời nói nhiều hơn cử chỉ?

Phương pháp giao tiếp cơ bản của bé không thể là cử chỉ động tác. Khi lên 2 tuổi, bé phải dùng lời nói nhiều hơn cử chỉ.

  1. Những người khác có hiểu bé không?

Cha mẹ bao giờ cũng hiểu ngôn ngữ của con tốt hơn so với người ngoài. Nếu thỉnh thoảng bạn vẫn phải phiên dịch cho mọi người thì không sao. Nhưng nếu bé đã 3 tuổi mà người xung quanh luôn cần bạn làm phiên dịch thì có lý do để lo ngại.

  1. Bé dã bắt đầu ghép các từ thành câu chưa?

Khoảng 2 tuổi, bé phải biết ghép các từ với nhau một cách có ý nghĩa. Bé có thể nói “không cơm” khi không muốn ăn cơm hoặc nói “bé chơi” khi muốn được ra ngoài chơi. Hãy cẩn thận nếu đến 3 tuổi mà bé chưa làm được điều này.

  1. Bé có biết bắt chước không?

Cẩn thận nếu bé chưa từng bắt chước âm thanh hay động tác. Bé dưới 3 tuổi thường có thể bắt chước tiếng mèo kêu meo meo, tiếng chó sủa gâu gâu, bắt chước cha mẹ chơi ú òa hay vẫy tay bai bai và vỗ tay theo mọi người.

  1. Bé rất ít bị nhiễm trùng tai?

Nếu bé thường xuyên bị viêm tai hoặc viêm tai được phát hiện muộn thì có khả năng thính giác bị ảnh hưởng. Chấn thương tai (một bên hoặc hai bên) cũng cần được quan tâm.